Cô giáo miền xuôi 17 năm "cõng chữ" lên non cao Xím Vàng
Phương Anh
-
17 năm gắn bó với mảnh đất Xím Vàng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) là từng đó thời gian cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương đối mặt với những khó khăn, vất vả để đổi lại nụ cười và tình yêu thương của những em bé vùng cao.
Xím Vàng là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Đây cũng là nơi hơn 570 hộ dân đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để đến được các điểm trường tại địa phương này phải băng qua nhiều con đường đất quanh co, một bên là núi, một bên là vực sâu. Đó cũng là con đường đi dạy quen thuộc của cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương khi lựa chọn gắn bó với trường Mầm non xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Quyết định “ngược đời” của cô giáo mầm non
Sinh ra và lớn lên tại Phù Ninh, Phú Thọ nhưng lại dành đến 17 năm để gắn bó với mảnh đất hoang sơ Xím Vàng, đối với cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương, đây là quyết định táo bạo nhất trong đời.
Chia sẻ với phóng viên Gia đình Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thu Phương cho hay ngay từ khi 17 - 18 tuổi, cô đã mong muốn được gắn bó với học sinh vùng cao.
“Tình yêu vùng cao của tôi đơn thuần chỉ bắt nguồn từ những bộ phim và hình ảnh xem được trên báo đài ngày trẻ. Ngắm nhìn vẻ đẹp của mảnh đất vùng cao cùng dáng người nhỏ bé, mặt mũi lấm lem của những đứa trẻ nơi đây, sự yêu thương và khao khát muốn được gắn bó với vùng cao cứ thế lớn dần trong tôi”, cô Phương nhớ lại.
Năm 2007, cô Phương quyết định thực hiện hoá ước mơ thời học sinh của mình. Nữ giáo viên về dạy tại Trường Mầm non xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Cô Phương cho biết, thời gian đầu, hai thách thức lớn nhất cô phải đối mặt là đường đi và ngôn ngữ. Những ngày nắng đường sá dễ di chuyển hơn nhưng những ngày mưa thì khó khăn dồn dập.
“Đã có lúc tôi rất nản vì con đường đến trường trơn trượt, nhiều dốc cao, người đầy bùn đất rất bẩn. Nhớ những lần bão to gió lớn, người dân thậm chí phải thả dây thừng xuống để các thầy cô giáo bám vào rồi kéo leo dốc. Tôi ngã không biết bao nhiêu lần rồi lại đứng dậy đi tiếp. Đi mãi rồi cũng thành quen, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể vượt hàng trăm cây số trên cung đường đèo như thế", cô Phương tâm sự.
Cô Phương tâm sự, khi cô mới về công tác đã gặp không ít khó khăn trong giao tiếp, việc vận động học sinh đến trường cũng không dễ dàng.
“100% học sinh ở đây là người dân tộc Mông. Do đó, thời gian đầu, việc giao tiếp giữa tôi và các bé vô cùng khó khăn. Mất rất lâu để trò chuyện và tìm cách diễn đạt hiệu quả nhất giúp các con làm quen với tiếng phổ thông.
Điều kiện của các em học sinh địa phương cũng thiếu thốn rất nhiều từ đồ dùng cá nhân cho đến đồ dùng học tập, thực phẩm ăn uống. Đặc biệt vào mùa rét lại càng thấu hiểu rõ hơn sự thiếu thốn của các con khi trẻ không đủ áo ấm, chăn bông hay đơn giản là những đôi dép để đến trường. Những khi thời tiết không ủng hộ, phụ huynh thường cho con nghỉ dài ngày, chúng tôi phải đến tận nhà vận động và cõng các em tới trường nhằm đảm bảo lớp học được đầy đủ. Những lần như thế chúng tôi hay gọi vui là đưa con đi học lại từ đầu”, cô Phương bộc bạch thêm.
Cho yêu thương để nhận lại yêu thương
Với tâm niệm, khó khăn ở đâu cũng có, quan trọng là cách mỗi người lựa chọn đối mặt với khó khăn và vượt qua nó ra sao, cô Phương cũng như những thầy cô giáo khác vẫn đang từng ngày nỗ lực “cõng chữ” lên non để nhận lại một món quà vô giá chính là tình yêu thương của học sinh và phụ huynh vùng cao Xím Vàng.
“17 năm qua, tôi thấy mình được nhiều hơn mất. Những đứa trẻ ở đây thể hiện tình cảm một cách rụt rè, nhút nhát nhưng rất đáng yêu. Ánh mắt long lanh, ngây thơ lấp ló phía sau cánh cửa, sau bờ rào của lớp để lén nhìn tôi, nụ cười hồn nhiên hay bàn tay nhỏ bé nắm chặt tay tôi,... Đó là những hình ảnh tôi không bao giờ quên. Một ngày nào đó khi nhìn lại, tôi sẽ thấy những ngày tháng ở nơi đây không chỉ có những khó khăn, mà còn ngập tràn tình yêu thương của các em nhỏ”, cô Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng coi các thầy cô giáo như người thân trong gia đình. Dù còn đầy rẫy khó khăn nhưng thỉnh thoảng phụ huynh lại biếu các cô mớ rau, bắp ngô, củ khoai, miếng cá,... Những món quà tuy giản đơn, bình dị nhưng vô cùng ấm áp đã trở thành động lực giúp các giáo viên vùng cao như cô Nguyễn Thị Thu Phương vững bước trên hành trình “bám trường, bám bản”.
Ngày 26-27/9 vừa qua, Tạp chí Gia đình Việt Nam đã phối hợp cùng Tạp chí Mỹ Thuật Việt Nam, Nhà đấu giá Le Auction House cùng các nghệ sĩ Hà Nội tổ chức chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường" trao tặng gần 5000 chăn ấm, màn, gối, ủng mùa đông, áo đồng phục mùa đông cùng trang thiết bị đồ dùng học tập, vở viết, balo, thiết bị y tế học đường, thiết bị thể thao, đèn chiếu sáng, bát ăn, đồ chơi mầm non và hơn 1000 phần quà (bánh kẹo, sữa…) cho các em học sinh tại các điểm trường của trường Mầm non, Tiểu học và THCS Xím Vàng, Xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên. Đoàn đến khảo sát và trao tặng toàn bộ kinh phí xây dựng 01 nhà lớp học 3 gian tại điểm trường Suối Trắng, xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo có ý nghĩa thể hiện sự biết ơn các vị thần linh đã mang lại may mắn, sức khỏe, hạnh phúc, bình an cho cả gia đình trong suốt một năm qua. Vì vậy, mâm cơm cúng 23/12 âm lịch được người Việt rất coi trọng.
Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm nhiều gia đình Việt thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo để bày tỏ lòng thành kính và mong cầu một năm mới thuận lợi, bình an.