Thứ tư, 06/11/2024 06:00

Đi tìm nguyên nhân vì sao giá vàng lên “cơn sốt” mới?

Theo TTXVN/Vietnam+ -

Các ngân hàng trung ương tham gia làn sóng mua vàng do sự phân mảnh tài chính làm tăng nhu cầu đối với tài sản lâu đời này khiến thị trường vàng bước vào thời kỳ hoàng kim mới.

Vàng miếng tại Zimbabwe. (Ảnh: LN 247/TTXVN)

Trong năm qua, các nhà đầu tư đã đổ xô vào vàng, đẩy giá kim loại quý này vàng tăng 38% lên mức kỷ lục hơn 2.700 USD/ounce.

Làn sóng vàng đã lan đến những nơi bất thường: vàng miếng xuất hiện trên kệ hàng của nhà bán lẻ Costco (Mỹ) và chuỗi cửa hàng tiện lợi CU (Hàn Quốc) trong bối cảnh lạm phát gia tăng và mối lo bất ổn địa chính trị thúc đẩy nhu cầu tích trữ các tài sản an toàn.

Các ngân hàng trung ương cũng tham gia làn sóng mua vàng do sự phân mảnh tài chính làm tăng nhu cầu đối với tài sản lâu đời này. Điều này khiến thị trường vàng bước vào thời kỳ hoàng kim mới.

Thay đổi lựa chọn đầu tư

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có xu hướng coi thường vàng vì lý do chính đáng: Vàng không tạo ra lợi nhuận.

Nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett cho biết những người đặt cược vào vàng là những người sợ các tài sản khác. Ông tin rằng nhóm người như vậy đang tăng.

Theo chuyên gia Dirk Baur và Lai Hoang tại Đại học Tây Australia, trong số các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ quản lý hơn 100 triệu USD tài sản, chỉ 25% sở hữu cổ phiếu trong các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng và chỉ có 1,5% tài sản của các công ty đó là vàng. Tất cả những điều này giúp giải thích tại sao lượng vàng nắm giữ trong các quỹ ETF không tăng, ngay cả khi giá kim loại quý này đã tăng.

Những người hâm mộ kim loại quý này nhất không phải lúc nào cũng có khả năng tự kiểm soát. Những người đam mê vàng đưa ra những dự đoán phóng đại để biện minh cho những lần đặt cược của họ. Một vụ vỡ nợ sắp xảy ra của Mỹ là một lý do được ưa chuộng, hoặc khả năng Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tung ra một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng cũng là một cái cớ mới.

ttxvn_gia_vang_1.jpg
Vàng miếng được bán tại Kota Bharu, bang Kelantan, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Nhưng ngày nay, nhiều người tin rằng kinh tế toàn cầu thực sự đang đi xuống so với chỉ vài năm trước và có nhiều lý do hợp lý hơn để tin vào vàng.

Các công ty quản lý tài sản gia đình - công cụ đầu tư được giới nhà giàu tư nhân ưa chuộng, đang phát triển nhanh chóng với khối tài sản được quản lý tăng từ 3.300 tỷ USD trong năm 2019 lên mức hiện nay là 5.500 tỷ USD, khi nhiều nhà đầu tư muốn bảo vệ tài sản của mình khỏi những hậu quả thảm khốc.

Giá trị của một loại tiền tệ có thể giảm so với các loại tiền tệ khác; nguồn cung tương đối cố định của vàng và mức độ phổ biến trong lịch sử khuyến khích các nhà đầu tư tin rằng vàng có thể bảo vệ họ trước giá cả tăng mạnh và các chính sách sai.

Theo công ty cung cấp dữ liệu Campden Wealth (Anh), hơn 2/3 các công ty quản lý tài sản gia đình đầu tư vào vàng. Nhu cầu lớn đến từ châu Á, khi Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 20% sản lượng kinh tế thế giới nhưng lại chiếm đến một nửa lượng vàng vật chất mà người tiêu dùng mua vào. Người dân Đức và Thụy Sỹ là những người châu Âu duy nhất có cùng xu hướng này.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản đã thúc đẩy những người có vốn tìm kiếm lựa chọn đầu tư mới. Việc mua vàng miếng và tiền xu vàng trong nửa đầu năm nay đã tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Khi Ấn Độ trở nên giàu hơn, nhiều người có tiền mua vàng hơn. Hệ quả là hoạt động cho vay được bảo đảm bằng vàng “cất cánh.” Công ty cho vay Muthoot Finance chứng kiến giá cổ phiếu tăng gần gấp 3 lần trong 5 năm qua.

Nhưng một nhóm nhà đầu tư khác - có lẽ là những người hoang tưởng và bảo thủ nhất - mới thực sự thúc đẩy đợt tăng giá gần đây: các nhà quản lý kho dự trữ tại các ngân hàng trung ương. Tỷ trọng vàng trong kho dự trữ tài sản của các ngân hàng trung ương đã giảm trong nhiều thập kỷ, từ gần 40% vào năm 1970 xuống chỉ còn 6% vào năm 2008. Tuy nhiên, gần đây, tỷ trọng vàng đã tăng đều đặn, lên 11% vào năm ngoái, mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ.

Cuộc xung đột ở Ukraine và việc đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga là một thời điểm then chốt, chứng minh cho các ngân hàng trung ương rằng nếu đất nước của họ bị trừng phạt, trái phiếu Mỹ và các tài sản an toàn khác được định giá bằng tiền tệ phương Tây sẽ vô dụng.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, từ đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua lần lượt 316, 198 và 95 tấn vàng. Thay vì đầu tư vào các quỹ ETF, các ngân hàng trung ương chủ yếu tích lũy vàng vật chất và đảm bảo có vàng trong tay.

Đáng chú ý, không phải tất cả các ngân hàng trung ương mua vàng đều có mối quan hệ khó khăn với phương Tây. Cơ quan Tiền tệ Singapore đã tích lũy được 75 tấn vàng từ đầu năm 2022. Ngân hàng quốc gia Ba Lan đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 167 tấn trong cùng kỳ như một phần của chiến lược nâng tỷ trọng dự trữ tài sản bằng vàng lên 20%. Trong khi vào tháng trước, Lào đã mở một ngân hàng vàng miếng tại thủ đô nước này.

Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương dường như không có khả năng giảm trong thời gian tới. Trong một cuộc khảo sát các nhà đầu tư do Invesco Asset Management thực hiện trong năm nay, không có ngân hàng nào trong số 51 ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giảm lượng phân bổ vàng trong kho dự trữ tài sản vào ba năm tới và 37% dự kiến sẽ tăng tỷ trọng. Khoảng 56% các ngân hàng trung ương tin rằng vàng góp phần chống lại xu hướng "vũ khí hóa" và 70% coi đó là phương tiện chống lạm phát.

Mối tương quan truyền thống bị phá vỡ

Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương - vốn đầu tư vì an ninh thay vì lợi nhuận - giúp giải thích tại sao mối quan hệ giữa vàng và lãi suất bị phá vỡ. Kim loại này thường kém hiệu quả khi lợi suất thực tế của trái phiếu chính phủ tăng cao. Khi lợi suất trái phiếu hạ, vàng có xu hướng tăng giá. Trong môi trường lợi suất thấp, các nhà đầu tư có nhiều khả năng cân nhắc một tài sản không tạo ra lợi nhuận.

ttxvn_gia_vang_resize.jpg
Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, mối tương quan đáng tin cậy này đã sụp đổ. Giá vàng tăng ngay cả khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ mức âm 1% lên khoảng 1,8%. Khi lợi suất thực tế cao như vậy, vàng có giá trị khoảng 1.000 USD/ounce, thấp hơn gần 2/3 giá trị so với mức hiện tại.

Các nhà đầu tư siêu giàu cũng có thể mua nhiều vàng hơn. Nhưng đối với những nhà cung cấp vàng, mục tiêu thực sự là các tổ chức đầu tư. Chỉ cần thu về một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn tỷ USD mà họ quản lý cũng sẽ là món hời lớn. Ngân hàng Goldman Sachs lưu ý, nhu cầu đối với các quỹ ETF có xu hướng chỉ tăng khi lãi suất của Mỹ giảm.

Thông thường, việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm sẽ làm tăng lượng nắm giữ vàng tại các quỹ ETF thêm 60 tấn - hiện có trị giá 5 tỷ USD - trong 6 tháng tiếp theo.

Theo TTXVN/Vietnam+
Giá vàng hôm nay 12/11: Bao trùm trong “sắc đỏ”

Giá vàng hôm nay 12/11: Bao trùm trong “sắc đỏ”

Giá vàng hôm nay 12/11 trong nước tiếp tục đà giảm sâu do ảnh hưởng từ những biến động của giá vàng thế giới.

Tài chính 247  - 
Giá vàng hôm nay 11/11: Vàng nhẫn tụt dốc thê thảm

Giá vàng hôm nay 11/11: Vàng nhẫn tụt dốc thê thảm

Giá vàng hôm nay 11/11 tiếp tục lao dốc, nhiều chuyên gia nhận định nếu đồng USD còn tăng thì giá vàng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Tài chính 247  - 
Giá vàng hôm nay 10/11: Tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 10/11: Tiếp tục giảm

Sau chuỗi ngày tăng - giảm với biên độ lớn, giá vàng hôm nay (10/11) trên thị trường thế giới kết thúc tuần giảm mạnh. Giá vàng trong nước cũng lao dốc.

Tài chính 247  -