Thứ năm, 01/08/2024 11:24

Hụt hẫng vì không đủ nghèo để được... mua nhà ở xã hội

Thúy Ngà -

Trước những quy định mới về đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhiều người tỏ ra hụt hẫng vì không biết bao giờ mới có thể tiếp cận được dạng căn hộ này.

Ngày 26/7 vừa qua Chính phủ đã ban hành 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đáng chú ý, Nghị định nêu rõ các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập. Cụ thể:

Điều kiện về nhà ở: Chưa có nhà, hay nói cách khác là không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi có dự án nhà ở xã hội, tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thuê/mua nhà ở xã hội.

Điều kiện về thu nhập: Thu nhập thực nhận không quá 15 triệu/tháng với người độc thân; không quá 30 triệu/tháng với những người đã kết hôn (tổng thu nhập của 2 vợ chồng). Thời gian xác định điều kiện về thu nhập là 1 năm liền kề, tính từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thuê/mua nhà ở xã hội.

Với quy định mới được công bố này, nhiều người tỏ ra hoang mang, hụt hẫng vì mức thu nhập “nửa vời” không đủ cao để mua được chung cư, nhà đất; nhưng cũng chẳng đủ thấp để được mua nhà ở xã hội.

Trường hợp anh Nguyễn Xuân Thủy (30 tuổi, độc thân, quê Vĩnh Phúc) là một ví dụ. Anh Thủy cho biết, anh xác định sẽ lập nghiệp tại Hà Nội nên đặt mục tiêu mua được ngôi nhà ở đây để an cư lập nghiệp rồi sau đó lấy vợ.

Tuy nhiên, sau nhiều năm “lăn lộn” trong thị trường lao động, với mức lương chỉ đủ ăn, bố mẹ cũng không “đủ lực” để hỗ trợ việc hiện thực hóa giấc mơ có nhà riêng nên anh đành đặt trọn ngôi sao hy vọng vào chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Nhiều năm qua, anh vẫn luôn hy vọng và tìm kiếm những nơi có nhà ở xã hội để le lói giấc mơ có được căn nhà Hà Nội. Thế nhưng, sau khi đọc quy định về điều kiện hỗ trợ chính sách mua nhà ở xã hội mới được công bố, anh cảm thấy hụt hẫng vì … không đủ nghèo để được mua nhà ở xã hội.

“Thu nhập trung bình 1 tháng của mình dao động khoảng 15,5 - 16 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập tối đa trong quy định có vài trăm nghìn thôi mà thành ra mất luôn cơ hội mua nhà. Tiếc thật sự! Cơ hội có nhà Hà Nội với mình lúc ấy dường như dập tắt.

Thậm chí, lúc đó mình đã buột miệng ước giá như thu nhập mình thấp hơn một chút thì biết đâu có cơ hội. Nhưng nghĩ lại tự thấy bản thân thật mù quáng. Lại đành tiếp tục ở thuê thôi”, anh Thủy thở dài.

Giấc mơ có nhà tại Hà Nội với nhiều người vẫn là xa vời

Vợ chồng chị Lê Thị Bích (quê Yên Bái) cũng chẳng khá khẩm hơn. Nhắc đến chuyện mua nhà Hà Nội, chị Bích luôn cảm thấy mệt mỏi vì quá căng thẳng và áp lực.

“Chưa bao giờ mình thấm thía câu nói: "cao không tới, thấp không thông" như bây giờ. Hai vợ chồng mình thu nhập một tháng rơi vào khoảng 34-36 triệu. So với mặt bằng chung thì đây cũng không phải mức thu nhập thấp, nhưng thực tình mà nói, chừng đó tiền mà nuôi 1 bé mẫu giáo, 1 bé học cấp 1 ở Hà Nội; đồng thời chu cấp cho ông bà nội ở quê, vì ông bà không có lương hưu, thì tính ra mỗi tháng chẳng dư được bao nhiêu. Có tháng còn tiêu hết sạch, thậm chí âm tiền.

Nếu đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, vợ chồng mình vẫn phải vay ngân hàng thêm một ít. Còn giờ, thực tình không biết đến lúc nào mới đủ tiền mua nhà”, chị Bích chia sẻ.

Thế nhưng với những người đủ điều kiện để có thể tham gia mua nhà ở xã hội như chị Hạnh (27 tuổi, độc thân, nhân viên văn phòng) thì lại đau đầu vì những mối lo khác.

Chị Hạnh cho biết có nghe nói về dự án nhà ở xã hội, nhưng không biết dự án ở đâu, mua thế nào… Và với mức lương văn phòng hiện tại của chị cũng chỉ được 7 - 8 triệu mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, sinh hoạt cá nhân thì cũng chẳng dư là bao để mà mua nhà.

“Nếu có vay vốn mua được nhà thì tiền lương cũng không đủ để trả góp hàng tháng”, chị Hạnh bày tỏ.

Chia sẻ liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay giá nhà liên tục tăng, đa phần người dân hiện nay tiếp cận nhà ở còn khó khăn, chứ không nói đến những người có thu nhập thấp. Căn hộ thường thường bậc trung giờ cũng 4 – 5 tỷ, thu nhập tăng theo cấp số cộng, giá nhà lại tăng theo cấp số nhân thì bài toán nhà ở của người dân sẽ rất căng thẳng, rất khó cho đại đa số người dân đang có thu nhập trung bình, thấp hiện nay tạo lập được nhà ở.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.

“Việc nhanh chóng ban hành các quy định hướng dẫn thi hành luật và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và giải bài toán nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề cốt lõi với nhà ở xã hội bây giờ vẫn còn về quỹ đất và pháp lý. Đây là gốc rễ của vấn đề.

Vì vậy, Nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà”, ông Đính nói.

Thúy Ngà
Người khôn ngoan chia sẻ 3 điều và tuyệt đối không tiết lộ 5 thứ khi dùng mạng xã hội

Người khôn ngoan chia sẻ 3 điều và tuyệt đối không tiết lộ 5 thứ khi dùng mạng xã hội

Trong thời đại số hóa, mạng xã hội trở thành nơi để mọi người chia sẻ cuộc sống và suy nghĩ cá nhân. Tuy nhiên, không phải mọi điều đều nên được phơi bày công khai.

Đời sống  - 
Phố Hàng Mã - Hà Nội ngập tràn đồ hóa trang Halloween

Phố Hàng Mã - Hà Nội ngập tràn đồ hóa trang Halloween

Các mặt hàng trang trí truyền thống với các hình nộm kỳ dị, ngộ nghĩnh, mặt nạ ma quỷ, bí ngô... đã đem đến cho phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) một không gian nhiều màu sắc.

Đời sống  - 
2 việc cần làm giúp giảm nguy cơ đột quỵ khi gió mùa về

2 việc cần làm giúp giảm nguy cơ đột quỵ khi gió mùa về

Nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên khi thời tiết lạnh hoặc có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Do đó, bác sĩ khuyến cáo cần làm ngay 2 điều này để đảm bảo sức khỏe.

Đời sống  -