Làm gì khi xe máy bị ngập nước, chết máy vào mùa mưa?
Phương Anh
-
Trong tình hình mưa bão hiện nay tại nhiều khu vực ở Bắc Bộ, người dân cần hết sức thận trọng việc xe máy bị ngập nước, chết máy khi đang lưu thông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh miền Bắc xảy ra mưa trên diện rộng, nước lũ dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường. Trước tình hình thời tiết đó, nhiều mô tô, xe máy đang lưu thông có nguy cơ bị chết máy.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trong những ngày này, người điều khiển phương tiện cần nắm rõ những kiến thức và nguyên tắc dưới đây để có hướng xử lý phù hợp khi xe máy xảy ra sự cố ngập nước, chết máy.
Thứ nhất là do bu-gi bị nước vào khiến bộ phận này không đánh được lửa;
Thứ hai là do nước chui vào ống hút gió, khi đó nước sẽ chảy xuống chế hòa khí, hòa lẫn vào xăng làm xe không thể nổ được;
Thứ ba là nước chui vào ống xả làm tắc đường thoát, thậm chí còn chui ngược vào đến động cơ dẫn đến chết máy.
Cách tránh xe chết máy khi đi qua đường ngập
Để tránh tối đa rủi ro cho xe khi đi vào những đoạn đường ngập, các chuyên gia đưa ra một vài lời khuyên như sau:
Ước lượng và hạn chế đi vào vùng ngập: Quan sát và ước lượng độ sâu trước khi quyết định đi vào. Nếu thấy những xe tương tự có thể qua được, bạn mới nên đi vào. Tránh đi vào đoạn đường có mức nước xấp xỉ cổ ống xả hoặc ngập một nửa bánh xe.
Kinh nghiệm đi qua đoạn đường ngập: Chọn vị trí cao nhất của mặt đường để di chuyển, thường là giữa đường. Không nên đi vào lề đường để tránh nguy hiểm từ các hố ga, miệng cống. Sử dụng số thấp (số 1 hoặc số 2) với xe số và giữ đều ga với xe tay ga.
Chọn cung đường khác hoặc chờ nước rút: Nếu không chắc chắn về khả năng "lội nước" của xe, lái xe nên kiên nhẫn tìm một ví trí cao ráo chờ đến lúc nước rút hoặc chọn một cung đường khác an toàn hơn để tránh rủi ro không đáng có.
Tắt máy, dắt xe qua đoạn ngập: Khi thấy xe khó có thể đi qua được vùng nước ngập, tốt nhất nên tắt máy và dắt xe qua vùng nước sâu. Mẹo nhỏ được nhiều chủ xe áp dụng khi dắt xe qua vùng nước ngập là lấy túi ni-lon cuộn lại rồi nhét vào ống xả để nước khó lọt vào bên trong. Đến một vị trí thích hợp, nổ máy và vặn ga để nước trong ống xả thoát hết ra ngoài, khi nào tiếng xe nổ ổn định thì mới lên xe và tiếp tục di chuyển.
Làm gì khi xe máy ngập nước?
Biết cách xử lý khi xe chết máy người điều khiển phương tiện sẽ nắm được các bước tránh xe hỏng nặng thêm.
Tắt máy ngay và dắt xe đến vị trí cao ráo
Đẩy xe vào khu vực khô ráo là việc làm đầu tiên sau khi xe bị chết máy do ngập nước. Lưu ý, không nên khởi động lại xe ngay sau khi bị chết máy, vì đây sẽ là nguyên nhân khiến xe bị hỏng động cơ.
Nếu có thể, hãy quay đầu xe về phía cao, chống chân đứng xe và lắc lư thân xe lên xuống, qua lại để xả hết nước đang ứ đọng trong các bộ phận bên trong của xe.
Nhanh chóng xả hết nước trong ống pô xe máy
Khi lắng nghe ống pô xe máy, nếu phát hiện tiếng nước bên trong, hãy dốc cao hẳn phần đầu của xe lên và kéo đều ga để đẩy hết nước ra ngoài.
Việc ống pô bị nước lọt vào khiến nhiệt độ khu vực khí thải không đảm bảo nên xe dễ bị tắt máy.
Thay nhớt động cơ
Đối với những chiếc xe máy bị ngập nước qua đêm, chủ xe nên kiểm tra dầu nhớt. Nếu thấy màu nhớt không đồng đều hoặc có màu trắng đục thì nước đã vào tới khu vực động cơ. Khi bị lỗi này cần phải thay nhớt trước khi cố gắng khởi động lại động cơ.
Làm khô bugi
Khi đề xe máy, nếu có tiếng kích điện kêu nhưng xe không nổ, rất có thể chiếc xe đã bị dính nước vào bugi. Để xử lý tình huống này, việc cần làm là tháo bugi, đạp khởi động một vài lần để nước thoát khỏi xi lanh. Sau đó, lau chùi bugi khô rồi lắp lại vị trí cũ.
Đối với xe máy số, thì bugi được lắp ở vị trí thấp, nên dễ dàng dính nước. Nếu chủ xe không đủ đồ nghề để xử lý việc bugi dính nước, hãy tới tiệm sửa xe gần nhất để được hỗ trợ.
Lưu ý, đối với bugi, chỉ cần lau, sấy khô và ráp lại là có thể đề máy được.
Làm khô lọc gió
Lọc gió cũng dễ bị dính nước khi xe máy đi vào vị trí ngập lụt do nằm ở vị trí thấp trên xe. Vì thế, hãy đảm bảo lọc gió luôn khô sau khi đi qua những vùng nước để xe máy không bị chết giữa đường.
Đồ giữ nhiệt là "vũ khí" để bảo vệ cơ thể trước cái lạnh. Tuy nhiên, mặc đồ giữ nhiệt sai cách, không chỉ khiến người mặc không cảm thấy ấm mà còn có thể gây cảm giác khó chịu, thậm chí lạnh hơn.