Cô giáo 17 năm vào chùa mở lớp học cho trẻ em nghèo, khuyết tật
Ngọc Quỳnh - Tuấn Anh
-
Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan, thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nhiều năm nay đã trở thành mái ấm của nhiều em nhỏ khuyết tật, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ...
Cô giáo Lê Thị Hòa (SN 1973) sinh ra trong gia đình nông thôn nghèo có 6 anh chị em tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Hoàn cảnh khó khăn, cả bố và mẹ đều không được đi học nên từ nhỏ cô Hòa đã mơ ước được đi học, biết đọc, biết viết. Cũng từ hoàn cảnh đó nên khi lớn lên rồi ra trường đi làm cô Hòa hiểu và đồng cảm với số phận của những em nhỏ kém may mắn khi không thể đến trường.
“Năm 1993 tôi về công tác tại Trường tiểu học Trường Yên, Chương Mỹ và được phân công dạy lớp dành cho các em bị khuyết tật, nhiễm chất độc màu da cam. Quá trình dạy các cháu tôi thấy các cháu rất thiệt thòi, không được hòa đồng với các bạn, không biết đọc, thậm chí nhiều em khác còn không được đi học, lúc đó tôi nghĩ mình phải tìm cách để giúp các em biết đọc, biết viết” - Cô giáo Hòa kể lại.
Sau khi chuyển công tác về Trường Tiểu học Đông Sơn, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nhận thấy xung quanh mình có nhiều em mắc các bệnh tự kỷ, down, khuyết tật... cô giáo Hòa đã ngỏ ý mời các em về nhà mình để dạy học cho các em.
Căn nhà bếp vỏn vẹn 10m2 ban đầu chỉ có vài bạn học sinh, dần dần số lượng học sinh tăng lên nhanh chóng. Khi không còn chỗ ngồi cô Hòa đã tìm đến chùa Hương Lan để nhờ các sư thầy giúp đỡ.
Được sự đồng ý của nhà chùa, lớp học tình thương được mở đều đặn vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại phòng khách của chùa. Tính từ ngày mở lớp đến nay đã 17 năm trôi qua với nhiều thế hệ học sinh được cô Hòa dạy từ những nét chữ đầu tiên.
Nói về lớp học đặc biệt này, cô Hòa nhớ lại: "Khoảng thời gian đầu khi mới thành lập nhiều người xung quanh còn nghi ngờ cho rằng dạy một cháu khuyết tật hay suy giảm trí tuệ sẽ vất vả, chưa nói đến lớp học còn có nhiều bạn học sinh có các chứng bệnh khác nhau nên khó có thể duy trì. Có người ác ý còn cho rằng tôi có vấn đề, dở hơi khi mở lớp.
Thời gian đầu lớp học rất khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn cách tiếp cận với các con. Khi mới bắt đầu xây dựng lớp học vào năm 2007, tôi thiếu thốn từ bàn ghế, sách vở,. Nhiều bạn không thể đi lại, cũng không thể tự vệ sinh, có bạn còn đánh và cắn cô giáo, nhưng càng thấy các con như vậy lòng tôi lại càng rất thương các con nhiều hơn".
Đối với những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh tự kỷ, down, tăng động... cô giáo Hòa không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết mà còn như người mẹ hiền kiên nhẫn hướng dẫn các em cách ăn, cách nói, cách tự vệ sinh cá nhân.
Không được đào tạo chuyên sâu về giao tiếp và giảng dạy trẻ khuyết tật nhưng bằng tình yêu với các con, cô giáo Hòa đã tìm tòi, học hỏi các chuyên gia để mong muốn giúp các em học sinh "đặc biệt" có những kiến thức về cách sống, học tập cơ bản.
Nhớ lại những giây phút khó khăn cùng các em học sinh, cô giáo Hòa xúc động nói: “Tôi dạy các con đọc, viết hoặc làm những phép tính đơn giản trong phạm vi tiểu học nhưng mất rất nhiều thời gian, có khi vừa dạy xong hỏi lại con đã quên luôn. Mỗi lần như thế tôi cứ kiên nhẫn dạy đi dạy lại đến bao giờ các con nhớ thì thôi. Có những bài hát phải dạy các con 3 năm mới có thể hát hoàn chỉnh được.
Thấy các con dần dần biết đọc, biết viết, biết ca hát lại có thể tự lo cho mình những sinh hoạt đơn giản như ăn uống, vệ sinh cá nhân tôi cảm rất vui và hạnh phúc".
Từng khó khăn lần lượt qua đi, 17 năm dạy từng con chữ trong lớp học đặc biệt nhưng cô Hòa chưa bao giờ nản lòng hay có ý định từ bỏ các em, càng khó cô càng thương học sinh của mình hơn.
“Có những thời điểm rất khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì lớp học để các con còn một mái trường, có cơ hội được học như các bạn khác. Các con ở đây gia đình đều thuộc diện khó khăn, nếu tôi không thể tiếp tục tổ chức dạy học, các con chỉ có thể ở nhà chứ không có đủ điều kiện để cho các con đi học” - Cô giáo Hòa chia sẻ.
Nhờ nỗ lực của cô Hòa, trong những năm gần đây các bậc phụ huynh, các mạnh thường quân đã cùng chung tay với cô nên các em đã có được cơ sở vật chất học tập tốt hơn, lớp học cũng ngày trở nên rộng rãi hơn.
Hiện tại, lớp học của cô giáo Hòa có khoảng 70 em học sinh độ tuổi từ 6-32 tuổi, lớp học hiện nay đã có đầy đủ bàn ghế, bàn giáo viên, bảng, tivi, tủ kệ sách... để phục vụ cho việc dạy học. Chứng kiến việc làm của cô Hòa, nhiều cô giáo cũng tìm đến và xin được hỗ trợ cùng cô trong hành trình lan tỏa yêu thương đến với những đứa trẻ kém may mắn.
Cầm thiệp chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam trên tay, cô giáo Hòa xúc động nói: “Nhiều bạn từ lớp học của tôi bây giờ đã có thể tự đi làm, tự nuôi sống bản thân. Từ những cô, cậu học trò không thể nói tròn vành rõ chữ, không biết viết, biết đọc hay thậm chí không thể tự lau mặt, tự thay quần áo, giờ đây các con có thể tự vệ sinh cho mình. Thậm chí các em còn chủ động viết thiệp chúc mừng 20/10, 20/11 cho tôi".
Nhiều em trước đây cô giáo Hòa từng phải dạy cách ăn, cách đi đứng, học từng chữ cái, con số thì nay đã có thể đi làm ở các công ty đồ chơi, dệt may... để mưu sinh như một người bình thường.
Dành cả cuộc đời để đồng hành cùng các em học sinh khuyết tật cô giáo Hòa hy vọng sẽ tiếp tục được các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ để viết tiếp ước mơ cho các em học sinh và tiếp thêm hy vọng vào tương lai cho chính người thân của gia đình các em.
Nhờ tình yêu nghề và tình thương đối với các em học sinh đặc biệt, sau hơn 30 năm làm "người lái đò" và 17 năm giảng dạy tại lớp học tình thương, cô giáo Lê Thị Hòa đã đạt được danh hiệu Giáo viên “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” 5 năm liên tiếp (2008-2013); Danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật” (2014); Danh hiệu “Gương người tốt việc tốt” (2017); Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” (2019)...
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Là bác sĩ thẩm mỹ kiêm giảng viên Đại học Y Hà Nội, Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa cho biết, anh là người thích sửa những ca hỏng, lỗi để nâng cao tay nghề và làm đẹp cho đời.
Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan, thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) nhiều năm nay đã trở thành mái ấm của nhiều em nhỏ khuyết tật, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ...