Ngôi làng cổ 4000 năm tuổi chỉ nghe thấy tiếng không thấy người
Phương Anh
-
Ngôi làng "vô hình" này khiến du khách trong và ngoài nước không khỏi kinh ngạc bởi khi đặt chân tới, họ chỉ nghe thấy tiếng chứ không thấy người, chỉ thấy cây chứ không thấy nhà.
Ở thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có một ngôi làng cổ 4.000 năm tuổi sở hữu lối kiến trúc vô cùng đặc biệt. Suốt hàng nghìn năm qua, người dân ở đây sống bên trong những căn nhà xây gọn nằm trong lòng đất, chỉ có một khoảng sân được xem như giếng trời để đón ánh sáng tự nhiên. Đó là lý do người ta thường nói khi đến ngôi làng này “chỉ thấy tiếng chứ không thấy người”.
Khi nhìn từ xa, du khách sẽ chỉ thấy một ngôi làng toàn cây cối, không có lấy một căn nhà. Chỉ đến khi bước lại gần, du khách mới có thể thấy được những chiếc hố lớn với nhiều kích thước, nằm rải rác khắp mọi nơi. Tuy nhiên, đây không phải là những chiếc hố bình thường, mà được xây vuông vức thành những căn nhà, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ ở ngôi làng này..
Thông thường, những ngôi nhà đặc biệt này có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật có cạnh 10-12m, lối vào nhà thường là đường hầm dài khoảng 10m, có một khoảnh sân vườn lộ thiên làm trung tâm. Trên 4 bức tường của hố, người ta đào những hang động để bố trí phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, nhà vệ sinh…
Vào mùa đông, nhiệt độ bên trong nhà khoảng 10 độ C và mùa hè chỉ khoảng 20 độ C. Không chỉ mát mẻ, công trình này còn có các tính năng như chống động đất, cách âm và thậm chí tiết kiệm năng lượng.
Khi nhìn những ngôi nhà nằm sâu cách mặt đất khoảng 7 mét, nhiều người sẽ lo ngại về việc thoát nước và nguy cơ ngập lụt khi gặp mưa lớn. Trên thực tế, người dân tại đây cho biết các ngôi nhà đều đã được tính toán kỹ khi xây. Xung quanh sân được xây dựng một số công trình hỗ trợ thoát nước, có thể dẫn nước xuống sâu hơn 40 mét, rồi từ từ thấm vào lòng đất. Bằng cách này, trong sân thường sẽ không có quá nhiều nước đọng.
Theo các ghi chép lịch sử, loại hình nhà ở này có tên là Yaodong (tạm dịch: ngôi nhà dạng hang động), đã tồn tại hàng thiên niên kỷ dưới lòng đất tại đất nước tỷ dân. Nguồn gốc kiểu nhà Yaodong được cho là xuất hiện từ thời kỳ đồ đồng. Kiểu nhà này được tiếp tục xây dựng trong thời kỳ nhà Minh, nhà Thanh trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Ngày nay, loại hình nhà ở này được hiện đại hóa với nhiều thiết bị điện tử và các tiện ích cần thiết khác giúp nó trông giống như bất cứ ngôi nhà trên mặt đất nào. Mọi sinh hoạt của người dân đều gói trọn trong ngôi nhà. Có những gia đình với 6 thế hệ đã từng sống tại đây suốt 200 năm qua.
Trước đây, ở Hà Nam từng có đến 10.000 ngôi nhà nằm trong lòng đất như thế này. Mặc dù hiện tại chỉ còn hơn 3.000 người sinh sống, phần lớn mọi người đã chuyển đến các khu vực cao hơn, nhưng vẫn có thể thấy quy mô rộng lớn của ngôi làng.
Theo Sohu, người dân phải mất tới 2-3 năm mới có thể hoàn thành một ngôi nhà cách mặt đất khoảng 6-7m. Thế nhưng với một ngôi nhà được "xây dựng" nên, các thế hệ sau đó của gia đình có thể sinh sống trong hàng trăm năm.
Hiện nay, những người vẫn sống trong những ngôi nhà này phần đông là người già và những người không có khả năng xây hoặc mua những ngôi nhà hiện đại trên mặt đất. Do đó, những ngôi nhà này đang dần bị bỏ hoang và mai một.
Mỗi khi rảnh rỗi, những người lớn tuổi thường đến quảng trường ở đầu làng, trò chuyện với mọi người, nghe kinh kịch. Khi mệt mỏi, họ sẽ trở về nhà của mình để nghỉ ngơi. Nhịp sống ở đây rất chậm nhưng nó khiến những du khách ghé qua phải ghen tỵ.
Vào năm 2011, Trung Quốc chính thức đưa các ngôi nhà trong lòng đất ở đây vào danh sách các địa điểm văn hóa cần bảo tồn. Đồng thời, chính quyền địa phương Hà Nam đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục bảo vệ và phát triển du lịch tại địa điểm này. Những căn nhà đặc biệt này cũng được cho thuê với chi phí khá rẻ, tuy nhiên, để mua trọn một căn nhà thì du khách cũng phải bỏ ra một khoản tiền kha khá.
Mặc dù trông có vẻ cũ kỹ và không quá đầy đủ tiện nghi, nhưng theo tờ Dailymail, một căn nhà cơ bản làn Miếu Thượng với một phòng ngủ không có hệ thống ống nước có thể cho thuê với giá khoảng gần 200 NDT/tháng (hơn 600 nghìn đồng). Trong khi đó, một ngôi nhà đầy đủ với 3 phòng ngủ và 1 phòng tắm có thể được bán với giá khoảng 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng).
Các màn trình diễn ảo thuật luôn khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác dù hầu hết chỉ là mánh khóe đánh lừa thị giác. Dưới đây là 5 bí mật tâm lý các nhà ảo thuật sử dụng nhiều nhất.
Ngôi làng xinh xắn luôn tràn ngập ánh nắng, khung cảnh thơ mộng, đầy đủ cơ sở vật chất, nhìn qua có vẻ rất bình thường nhưng tất cả người dân tại đây đều mất trí nhớ.
Ngôi làng "vô hình" này khiến du khách trong và ngoài nước không khỏi kinh ngạc bởi khi đặt chân tới, họ chỉ nghe thấy tiếng chứ không thấy người, chỉ thấy cây chứ không thấy nhà.