Thứ tư, 11/12/2024 06:00

Cụ bà 91 tuổi miệt mài giữ nghề đan nón hơn 300 năm ở thủ đô

Hoàng Sơn -

Cụ bà Vũ Thị Thông năm nay 91 tuổi nhưng vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống đan nón lá có lịch sử hơn 300 năm tại Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội).

Những ngày này ai đến thôn Tri Lễ (Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) đều thấy khắp đường làng, ngõ xóm được phủ một màu vàng của lá cọ xen lẫn cảnh hối hả của người thợ đang chuẩn bị cho chuyến hàng tết.

Lá cọ làm nón phải lá loại còn đang ở dạng búp chưa xòe.
Lá cọ phủ cả một màu vàng khắp các ngõ xóm Tri Lễ (Thanh Oai, Hà Nội).

Công việc đan nón tại Tri Lễ được làm quanh năm khiến cho từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi ai cũng tất bật. Với thợ lành nghề mỗi ngày có thể đan được khoảng 6 – 10 chiếc nón, giá khoảng 20 ngàn/chiếc.

Không chỉ làm nón truyền thống, từ lá cọ, người dân Tri Lễ có thể tạo ra các sản phẩm như nón Lâm Xung, nón quai thao, mũ lưỡi trai, mũ tây, mũ vành lá cân… Các sản phẩm của làng nghề Tri Lễ làm đến đâu bán đến đó, và không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo lời kể của người dân Tri Lễ, trong làng đa phần người dân làm các sản phẩm bình dân, giá rẻ, nhưng ở làng nghề lâu năm này có một vài cụ cao niên tay nghề rất cao, là những người nắm giữ bí quyết, tinh hoa của nghề truyền thống đan nón lá Tri Lễ. Các sản phẩm từ tay các cụ làm ra đạt đến độ tinh xảo và để mua được phải đặt trước cả tháng.

Cụ bà Vũ Thị Thông tỉ mỷ đan từng chiếc nón lá

Lần theo thông tin về người lưu giữ tinh hoa nghề đan nón lá truyền thống Tri Lễ, phóng viên Gia đình Việt Nam tìm đến gia đình cụ bà Vũ Thị Thông thôn Tri Lễ (Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội). Bên song cửa ngôi nhà cấp 4 rêu phong, cụ Thông đang đang tỉ mỹ từng đường kim đan chiếc mũ vành lá cân - một sản phẩm có kỹ thuật rất khó, giá đắt nhất trong các loại nón lá của làng nghề Tri Lễ mà hiện chỉ có mỗi cụ Thông mới làm được.

Cầm chiếc nón đan dở trên tay cụ Thông kể: “Không biết nghề đan nón lá tại Tri Lễ có từ bao giờ, nhưng 7 tuổi mẹ đã hướng dẫn tôi đan nón lá, và nay đã bước sang tuổi 91, tôi vẫn làm công việc này mỗi ngày và luôn yêu thích nó".

Cụ Thông cho biết, đan nón lá rất nhiều công đoạn. Để đan được nón phải mua lá cọ loại đang ở dạng búp chưa xòe ra ở tận trên Thái Nguyên, Phú Thọ rồi về tách, phơi, dùng bàn là than để là thẳng lá cọ. Tiếp đến là khâu chọn, vót tre làm vành nón và công đoạn cuối cùng là đan nón.

Việc đan nón lá chỉ cần hướng dẫn qua ai cũng có thể làm, nhưng để làm ra sản phẩm đẹp, chất lượng, được người tiêu dùng chờ từng ngày để sở hữu được sản phẩm của mình thì cần phải tỉ mỷ trong tất cả các chi tiết. Đường gân của lá cọ phải thẳng, đường kim mũi chỉ phải đều, các chi tiết trên chiếc nón phải hải hòa có đường nét mới đạt tiêu chí.

Ở tuổi 91 nhưng cụ bà Vũ Thị Thông vẫn rất minh mẫn, tinh anh, thậm chí còn tự xâu kim để đan nón.

Nay đã 91 tuổi nhưng cụ Thông vẫn rất minh mẫn, tinh anh và đều đặn, sáng từ 7 giờ đến gần 12 giờ, buổi chiều 14 giờ đến 18 giờ cụ vẫn miệt mài làm công việc đan nón lá. Ở tuổi xế chiều, người cao tuổi thường đau ốm và suy nghĩ tiêu cực nhưng với cụ Thông công việc đan nón lá luôn mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày.

Trong câu chuyện, cụ Thông có chút buồn: “Ngày nay xã hội hiện đại khiến nhiều nghề tuyền thống mai một bởi thế hệ trẻ ít người đi theo nghề của cha ông để lại.

Tôi dành cả đời cho nghề đan nón lá. Nay dù tuổi đã cao nhưng mắt vẫn còn nhìn thấy để đan nón thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm. Công việc này không chỉ mang lại sự ổn định, tạo thu nhập cho gia đình mà còn mang lại niềm vui cho tôi, giúp tôi lưu giữ được nghề truyền thống cho các thế hệ mai sau".

Nhiều người làng Tri Lễ làm công việc đan nón nhưng để có được những sản phẩm đạt độ tinh xảo thì chỉ có mỗi cụ Thông làm được. Hình ảnh cụ Thông cầm trên tay chiếc mũ vành lá cân - sản phẩm khó làm nhất, giá khoảng 500 ngàn đồng/chiếc và mất 3 - 5 ngày mới làm xong.

Hơn 70 năm làm nghề đan nón lá, cụ Thông luôn tâm niệm, làm nghề gì cũng phải tâm huyết, kiên trì, kiên nhẫn thì mới thành công.

Nói về nghề truyền thống đan nón lá, đại diện UBND xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) cho biết, làng nghề truyền thống đan nón lá tại Tri Lễ có lịch sử hơn 300 năm. Các sản phẩm nón lá của Tri Lễ không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các thị trường như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ở Tri Lễ hiện 100% hộ dân làm nghề đan nón và nghề truyền thống này đã tạo ra công việc, thu nhập rất ổn định cho người dân trong nhiều năm qua.

"Hiện nay, sản phẩm nón lá Tri Lễ đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và gần đây nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến làng tôi để tìm hiểu về văn hóa của làng nghề - đó là niềm tự hào và là động lực để người dân và chính quyền các cấp chúng tôi ra sức giữ gìn, phát huy những tinh hoa của làng nghề truyền thống để đất nước ngày càng thêm giàu mạnh”, đại diện UBND xã Tân Ước cho biết.

Hoàng Sơn
Chuyên gia nói gì về thông tin chữa đột quỵ bằng cách dùng máy sấy tóc làm ấm gáy?

Chuyên gia nói gì về thông tin chữa đột quỵ bằng cách dùng máy sấy tóc làm ấm gáy?

Mạng xã hội đang lan truyền thông tin người bị đột quỵ phải cố gắng ho thật mạnh và dùng máy sấy tóc làm ấm gáy để đánh tan cục máu đông. Trước thông tin này, chuyên gia lên tiếng cảnh báo.

Sức khỏe  - 
Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM: Xuất hiện ông già Noel đặc biệt

Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM: Xuất hiện ông già Noel đặc biệt

Trẻ em khắp nơi đang háo hức chờ đón quà của ông già Noel. Riêng tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, Giáng sinh năm nay xuất hiện 1 ông già Noel đặc biệt, với những món quà ý nghĩa.

Đời sống  - 
Đại uý Trịnh Trung Hiếu: Mong những gia đình khó khăn có được ngôi nhà ấm áp hơn

Đại uý Trịnh Trung Hiếu: Mong những gia đình khó khăn có được ngôi nhà ấm áp hơn

Lực lượng chi đoàn Cục CSGT phía Nam vừa tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Châu Hòa; thăm hỏi, trao tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng và bàn giao “Nhà tình thương” cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bến Tre.

Đời sống  -